Hardfork Ethereum sắp tới là gì? Liệu chúng ta có nên lo lắng? Sắp tới đây vào ngày 14/01/2019, Ethereum sẽ đón nhận một đợt hard fork mang tên Constantinople tại khối 7080000. Hãy cùng nhau tìm hiểu xem tại sao Ethereum lại thực hiện hardfork và những điều cơ bản chúng ta cần biết trong sự kiện lần này là gì nhé.
Đầu tiên, mọi người đừng nên hoảng sợ! Phần lớn mọi người đều nghĩ hardfork là một sự kiện tồi tệ, nhưng cũng phải thôi, các đợt hardfork của Bitcoin và gần đây là hardfork của Bitcoin Cash thành Bitcoin ABC và Bitcoin SV đã khiến mọi người phải suy nghĩ như vậy. Vào năm 2016, Ethereum cũng đã chia thành 2 chuỗi, Ethereum và Ethreum Classic. Sự phân chuỗi này diễn ra bởi vì các thành viên trong cộng đồng không hài lòng với tình trạng bảo mật của mạng lưới.
Vậy tại sao Ethereum lại thực hiện hardfork?
Đợt hardfork Constantinople lần này là giai đoạn 2 trong dự án nâng cấp tổng thể Metropolis của Ethereum. Giai đoạn 1 trong dự án này có tên là Byzantium, đã diễn ra vào tháng 10/2017, bản nâng cấp Bynzantium nhắm tới việc tăng tốc độ giao dịch và độ bảo mật trên Blockchain của Ethereum cùng với việc điều chỉnh hợp đồng thông minh để phù hợp với việc sử dụng cho các giao dịch kinh doanh.
Constantinople hoàn toàn nằm trong roadmap của Ethereum. Nó chỉ đơn giản là một đợt nâng cấp mạng lưới của Ethereum và đợt nâng cấp lần này nhắm tới việc gia tăng mức độ ẩn danh của giao dịch, lập trình trên Ethereum trở nên dễ dàng hơn và việc đào Ethereum trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Constantinople nên hiểu là nâng cấp hơn là hardfork.
Hardfork được định nghĩa là một sự phân kỳ vĩnh viễn trong chuỗi khối, thông thường sẽ xảy ra khi các node không nâng cấp không thể xác nhân các khối được tạo ra bởi các node đã thực hiện nâng cấp và tuân theo quy tắc đồng thuận mới.
Chúng ta thường nghe về hardfork khi một đồng coin mới được tạo ra bởi sự bất đồng trong cộng đồng. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi một số người vẫn tiếp tục hỗ trợ/đào chuỗi cũ. Đây là điều đã xảy ra với Bitcoin và Bitcoin Cash cung như từng xảy ra trước đây đối với Ethreum và Ethreum Classic.
Để Constantinople hoạt động, tất cả các máy tính thuộc mạng lưới Ethereum phải nâng cấp hệ thống cùng với các đề xuất sửa đổi. Nếu một số máy tính không thực hiện nâng cấp, blockchain của Ethreum sẽ bị chia làm hai. Còn nếu không, thì hardfork đơn thuần chỉ là một bản nâng cấp hệ thống
Hardfork là một điều tốt!
Những cải tiến của Constantinople là gì
Đợt nâng cấp Constantinople lần này của Ethereum bao gồm 5 đề xuất cải tiến (Ethreum Improvement Proposals – EIPs) để chuẩn bị cho giai đoạn Serenity, chuyển đổi từ PoW sang PoS thông qua cải tiến Casper và đây cũng chính là giải pháp giải quyết vấn đề mở rộng của Ethereum.
5 cải tiến Constantinople bao gồm:
- EIP 145: liên quan đến một cách thức hiệu quả hơn để truy cập thông tin trên Blockchain
- EIP 1052: tối ưu hóa các tương tác trên quy mô lớn
- EIP 1014: là một đề xuất được đưa ra bởi Vitalik Buterin, cho phép tương tác với một số giải pháp mở rộng
- EIP 1283: bản đề xuất này mục đích chủ yếu mang lại lợi ích cho những nhà phát triển hợp đồng thông minh để giảm thiêu chi phí lưu trữ giữ liệu của các ứng dụng phi tập trung
- EIP 1234:giảm phần thưởng khối từ 3 ETH xuống 2 ETH và hoãn lại Difficulty Bomb (tăng độ khó của mining Ethereum) 12 tháng
Kết luận
Đợt hardfork hay đúng hơn là nâng cấp Constantinople của Ethereum sẽ diễn ra vào ngày 14/01/2019 sắp tới đây tại khối 7080000. Mọi người không nên lo lắng về sự kiện lần này mà nên mừng thì hơn, bản nâng cấp lần này đang giúp Ethereum tiến tới gần hơn giải pháp giải quyết vấn đề lớn nhất của từ trước đến này, đó là mở rộng.
Theo Traderviet