Trong hội thảo về tiền ảo với chủ đề “Tiền ảo – các khía cạnh pháp lý – pháp luật một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, ý kiến Việt Nam thành lập sàn giao dịch tiền ảo trong đó nhà nước nắm quyền quản lý được nhiều đại biểu nhất trí.
Tại trường Đại học Luật Hà Nội vừa diễn ra hội thảo về tiền ảo với chủ đề: “Tiền ảo – các khía cạnh pháp lý – pháp luật một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” với sự tham gia của nhiều chuyên gia luật và các bạn trẻ quan tâm tìm hiểu về tiền ảo.
Một trong những chủ đề chính trong buổi hội thảo là tiền ảo và các quy định pháp lý. Tuy vậy, để có thể áp dụng luật và các pháp lý vào tiền ảo thì các đại biểu tham dự đều nhất trí rằng phải gán cho tiền ảo một danh xưng, quy định đó là cái gì và với những đồng tiền ảo đang có trên thị trường thì đồng được công nhận, đồng nào không được công nhận là tiền ảo, tiền mã hóa hay tiền kỹ thuật số.
Buổi hội thảo diễn ra sôi nổi với rất nhiều đề tài tham luận của các đại biểu. Nội dung về khía cạnh pháp lý của tiền ảo tại các quốc gia khác trên thế giới được mang ra mổ xẻ, nghiên cứu, giới thiệu.
Thái độ của các quốc gia trên thế giới về tiền ảo như thế nào?
Tại Mỹ, tiền ảo đã được một số bang của Mỹ thừa nhận và cho phép là vật trung gian quy đổi ra tiền hoặc vật chất khác. Tiến sĩ Kiều Thị Thùy Linh tham gia tham luận nêu: “Tại Mỹ đã ghi nhận một số giao dịch bất động sản được thực hiện thanh toán thông qua tiền ảo. Ngoài ra, 85 nhà hàng thuộc nhiều bang khác nhau cũng đã chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo. Có một trường tiểu học mang tên Montessori tại bang Illinois thông báo chấp nhận đóng học phí bằng đồng bitcoin”.
Tuy vậy, về mặt pháp lý Quy định về tiền ảo tại Mỹ vẫn còn trong giai đoạn sơ khai chưa rõ ràng. Nghị viện nước này hiện chưa thông qua bộ luật nào để trực tiếp quản lý tiền ảo.
Tại Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản đã có quy định công nhận tiền ảo gồm một danh sách các loại tiền ảo được công nhận. Báo cáo tại hội thảo nêu tại Nhật Bản có 16 sàn giao dịch tiền ảo được chính phủ cho phép giao dịch tiền ảo. Những công ty, cá nhân và tập đoàn nào muốn được chính phủ bảo vệ giao dịch (nếu có rủi ro xảy ra trong quá trình giao dịch chính phủ Nhật sẽ bồi thường toàn bộ thiệt hại) thì sẽ đăng ký tài khoản tại những sàn giao dịch được chính phủ công nhận. Chính phủ Nhật Bản cũng không cấm những sàn giao dịch tiền ảo lậu. Tuy vậy, khi giao dịch tại những sàn này nếu có rủi ro xảy ra thì người tham gia tự chịu tổn thất.
Tại Việt Nam cần phải định danh rõ tiền ảo là gì, từ đó đưa ra khung pháp lý áp dụng
Tại buổi hội thảo, các đại biểu tham luận đều nhất trí hiện nay chưa có quy định nào dành cho tiền ảo. Việc định danh rõ tiền ảo là gì để từ đó có thể áp dụng pháp lý vào quản lý tiền ảo cũng chưa được cơ quan nào thực hiện.
Do vậy, cần phải định danh tiền ảo là gì? Nó có vai trò như thế nào trong nền kinh tế và chịu sự quản lý của pháp luật như thế nào?
Theo quan điểm của phó giáo sư, tiến sĩ Phùng Trung Tập cho rằng hiện nay chúng ta chưa có 1 văn bản nào quy định về tiền ảo, định danh tiền ảo là cái gì. Do đó, không thể áp vào khung pháp lý. Bởi vì đối tượng đó còn chưa rõ ràng. Với tình hình hiện tại, một là phải thừa nhận tiền ảo để rồi từ đó xây dựng quy chế, công cụ để quản lý tiền ảo. Hai là nếu không quản lý được thì phải cấm không cho giao dịch. Do vậy, việc trước mắt cần phải làm là phải xác định được tiền ảo là gì và định danh cho nó. Đòi hỏi Ngân hàng nhà nước, các cơ quan chức năng phải có hướng dẫn đầy đủ, văn bản xác nhận tiền ảo là gì.
Các đại biểu tham gia cũng quan tâm, lo ngại với vấn đề tiền ảo có thể được kẻ gian lợi dụng để rửa tiền. Bởi ngoài giao dịch qua sàn giao dịch, tiền ảo có thể được chuyển trực tiếp từ “ví” của người này sang người khác một cách dễ dàng và bí mật mà chỉ có hai người giao tiền và nhận tiền biết.
Việc thành lập sàn giao dịch tiền ảo trong đó nhà nước nắm quyền quản lý được nhiều đại biểu nhất trí. Bởi sau khi lập sàn giao dịch có thể thu được phí chuyển tiền, thuế giao dịch, bảo đảm tiền cho người gửi và người nhận. Đồng thời giám sát được các giao dịch, hoạt động rửa tiền.
Theo Việt Nam Mới